Xe nhập khẩu ngày càng được người dùng Việt ưa chuộng
Cuộc đua giảm giá bán diễn ra rầm rộ trên thị trường ô tô nửa đầu năm 2024, trong đó người Việt đang cho thấy xu hướng ngày càng ưa chuộng ô tô nhập khẩu, khiến lượng tiêu thụ xe lắp ráp, sản xuất trong nước tiếp tục sụt giảm.
Thị trường ô tô Việt Nam vừa đi qua nửa chặng đường của năm 2024. Bên cạnh sự xuất hiện của hàng loạt mẫu mã mới, cuộc đua giảm giá diễn ra rầm rộ giữa các nhà sản xuất, phân phối là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại chưa đạt như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô khi lượng xe bán ra vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thị hiếu người tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi chuyển dịch sự lựa chọn giữa các dòng xe cũng như giữa ô tô nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
Số liệu bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy trong tháng 6.2024, doanh số bán ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA đạt tổng cộng 26.575 xe ô tô các loại. Trong đó, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chiếm 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước đó nhưng vẫn nhiều hơn lượng xe lắp ráp trong nước đã bán ra thị trường (đạt 12.962 xe). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu nhiều hơn xe lắp ráp trong nước.
Cộng dồn 6 tháng đã qua của năm 2024, tổng doanh số ô tô nhập khẩu đạt 67.035 xe, ít hơn lượng xe lắp ráp trong nước (đạt 67.849 xe). Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số ô tô nhập khẩu tăng 12%, trong khi xe lắp ráp trong nước giảm tới 12%.
Kết quả này phần nào cho thấy, người Việt ngày càng chuộng ô tô nhập khẩu đồng thời giảm mua xe lắp ráp trong nước. Đơn cử như trường hợp của Mitsubishi Xpander - một trong những mẫu ô tô bán chạy nhất tại Việt Nam nửa đầu năm 2024. Xpander là một trong số ít mẫu xe tại Việt Nam có cả bản lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu. Sau nửa đầu năm 2024, đã có 7.773 xe Xpander mới đến tay khách hàng Việt Nam, trong đó bản nhập khẩu chiếm tới 7.000 xe.
Có nhiều lý do giúp ô tô nhập khẩu ngày càng tăng sức hút tại Việt Nam, trong khi lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước lại có xu hướng giảm. Đầu tiên, đó là việc nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu được nhà phân phối ưu đãi, giảm giá bán hấp dẫn hơn so với xe lắp ráp trong nước. Thậm chí, một số mẫu xe như Mitsubishi Pajero Sport, Honda Accord, Subaru Forester, MG RX5… vẫn đang được nhiều đại lý giảm giá bán lên đến cả trăm triệu đồng.
Trong khi đó, xe lắp ráp cũng được nhà sản xuất, đại lý áp dụng ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên thông tin về việc Chính phủ đang xem xét áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước cũng phần nào khiến khách hàng có nhu cầu mua xe mang tâm lý chờ đợi. Đây là một trong những lý do khiến lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước có sự chậm lại trong khoảng 3 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt nam ngày càng đa dạng về mẫu mã, thương hiệu cũng như kiểu loại trong khi giá bán ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là các dòng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… vốn được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.
Với sự tăng trưởng doanh số trong thời gian gần đây, đồng thời nhiều mẫu mã mới được dự báo sẽ được phân phối trong thời gian tới, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang tạo áp lực cạnh tranh lên các mẫu xe lắp ráp trong nước.
tin liên quan
xe mới về
-
Renault Duster 2.0 AT 2016
320 triệu
-
Mitsubishi Pajero Sport 2.4D 4x4 AT 2021
940 triệu
-
Cadillac Escalade ESV Premium 2014
2.650 tỷ
-
Mercedes Benz S400L 2017
1.580 tỷ
-
Lexus GX 460 2010
1.280 tỷ